Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam | 2TVN Forum :: Thư viện truyện :: Truyện sáng tác :: Truyện hoàn thành
Ngày xưa, những năm 70 nhiễu nhương, loạn lạc lại trúng vào thời sinh viên của bọn tôi ở Sài Gòn. Dù hầu hết bạn bè đều là con nhà nghèo hay chỉ trung lưu, một số phải đi dạy kèm mới có đủ tiền mua cours mà học nhưng bọn tôi lại khá phong lưu, rộng rãi ở cái khoản cà phê.

Chỗ đóng đô, quán hẹn quen thuộc thì lu bù, phồn tạp. Khi có tiền thì từ ra cà phê Hân hay Duyên Anh trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đakao là gần trường Văn Khoa nhất, đăc biệt là do Hân có băng nhạc Paul Mauriat tuyệt vời, Duyên Anh có cô sinh viên cùng ban triết với bọn tôi làm thu ngân, biết bao chàng say đắm! Khi thong thả cả hai khoản tiền bạc và thì giờ, cả bọn kéo đến cà phê Hồng ở đường Pasteur, Tân Định. Quán có chị chủ tóc để dài thật liêu trai, cà phê thật đắng, nhỏ giọt thật chậm để khách lãng đãng thả hồn theo khói thuốc và nhạc họ Trịnh. Còn những vết ố trên tường cứ ngang ngang nhau, như thể tất cả khách đến quán đều dửng dưng có cùng một cỡ xương sống mỏi mệt, chán chường thời thế và thân phận.
Còn những ngày cạn túi, bọn tôi vẫn ung dung – thường xuyên ung dung – ra cà phê lá me. Cho đến ngày nay, nằm ngay trung tâm của quận trung tâm thành phố là Quận Nhất, ở trước mặt nhà thờ Đức Bà, ngã ba đường Đồng Khởi ngày nay, tức đường Tự Do/Catinat xưa cũ, với đường Nguyễn Du vẫn luôn là khu vực hào nhoáng bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ, có mặt toàn những khách sạn, nhà hàng, văn phòng thương mại, ngân hàng… nguy nga, sang trọng. Vậy mà ở ngã ba này, trên một quãng vỉa hè cán xi măng thuộc đường Nguyễn Du, dưới tán lá những cây me già chợt xuất hiện một hàng cà phê lộ thiên, không bảng hiệu, thuộc hạng bình dân, xập xệ hết cỡ.
Tượng Đức Mẹ đứng giữa cái tiểu hoa viên phía trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, lúc nào đó liếc mắt sang phía phải, thấy cái quán nghèo mạt ở giữa khu phố quá giàu có, hẳn Mẹ không khỏi chép miệng thương xót: “Tội nghiệp, các con ở nhầm chỗ mất rồi!”.
Quán xập xệ đến mức chỉ bày ra những bô bàn ghế gỗ tạp cũ mèm, vừa nhỏ vừa thấp. Bàn chỉ đủ ngồi 3-4 người, ghế đẩu thì mặt ngồi vừa đủ cho bàn tọa người vóc trung bình, không nên mập và dĩ nhiên, loại ghế đẩu cao chỉ 25cm này làm gì có lưng tựa. Thường thì bọn tôi hay gọi cái quán cóc, pha cà phê vớ ngon không kém cà phê phin này là “cà phê Nguyễn Du”, “cà phê lá me”, có khi hú nhau thật vắn tắt “Ra lá me nhé!”, “Đang ngồi chỗ lá me đây!” cũng đủ hiểu. Nhưng, có tên nào khó ưa, được mời cà phê chùa còn ngầm ý phân biệt, xếp hạng cái quán cả bọn sắp kéo đến, hỏi kháy “Cà phê hả? Ghế thấp hay ghế cao?”, thì đượng nhiên cà phê lá me thuộc hạng “ghế thấp”, khỏi tranh cải.
Quán lá me xập xệ đến nổi bọn con trai ngầm chia xẽ nhau một điều kiêng kỵ, tránh không bao giờ rủ mấy nữ nhóm viên hiếm hoi trong nhóm cùng đến quán. Con gái nhà người ta nết na, đằm thắm, cứ nhìn các nàng trong áo dài kiểu raglan kiêu sa, trang trọng là mình đã phải làm nghiêm, cố nói năng cho đúng mực đàng hoàng và tôn trọng, có rủ đi uống nước thì cũng phải lựa quán xá sang trọng cỡ La Pagode, Hân, Duyên Anh, Cafetaria, Bố Già… mới xứng với các nàng. Đằng này lại rủ người ta đến cà phê lá me, ngồi lê lết vỉa hè như dân lãng tử bụi đời, vừa khó coi vừa mất giá tiểu thư.
Dù sao mặc lòng, ngày giờ này đã nửa thế kỷ trôi qua, hễ ngồi nhắc với nhau về quán cà phê lá me đường Nguyễn Du ngày xưa là nhiều người trong bọn chúng tôi đã như sống lại những kỷ niệm rất sâu lắng, với những hình ảnh, chuyện đời vui buồn lẫn lộn của thời trai trẻ, tất cả từng ghi khắc ở nơi này. Nghiễm nhiên cái quán mộc mạc, không tên tuổi ấy lại có một giá trị sâu sắc vừa về thời gian sống vừa về tinh thần, tình cảm và cảm xúc đối với đám bạn già ngày nay.
Thời ấy, ở cái quán cóc lề đường ấy thường có những mẩu lá me phiêu lãng bay lạc vào tách cà phê bình dân rẻ tiền của bọn sinh viên nghèo. Nhưng có gì cấm được đám thư sinh, hàn sĩ ngồi đó mà nghĩ suy, dệt mộng lớn cho tương lai, dự phóng giúp ích cho đời bằng kiến thức, chữ nghĩa mà mình đang dùi mài, tích lũy từ ngôi trường cổ kính bao năm?
Cứ thế mà qua đi những ngày mưa ngày nắng, những buổi chiều gió hiu hiu cũng vừa đủ làm rụng lá me bay lạc vào tách cà phê ở quán cóc đường Nguyễn Du, hay hạt chong chóng cây sao cứ bay xoay tít trên trời khi có gió lớn thổi tới đường Trần Quang Khải, nơi bọn tôi, 4 – 5 tên sinh viên gốc miển Trung thuê chung một căn gác trọ nhỏ như lỗ mũi.
Rồi tốt nghiệp cử nhân, ra trường, ai nấy tứ tán đi làm chỗ này, chỗ nọ, cố gắng thực hiện các dự phóng riêng hay chung, ngày nào đã từng tranh cải, bàn luận và chọn lựa ở cái quán cà phê cóc đơn sơ ấy. Thời sinh viên lãng mạn, đầy hoa mộng coi như khép lại tuy cũng có một số người ghi danh tiếp, làm luận án cao học nhưng cũng không thường xuyên đến trường nữa. Cũng có nghĩa là từ đó, bạn bè ít có cơ hội gặp nhau ở trường, để có thể rủ nhau đi cà phê, trở lại cà phê lá me.
Ngoài chuyện từng làm chứng nhân cho những dự phóng tương lai của đám sinh viên bọn tôi, cà phê lá me còn lưu giữ cả những chuyện tình thật lãng mạn hoăc thật tội nghiệp,
Như có một tên bạn, học cùng ban Triết đông phương như tôi nên rất thân và hiểu nhau. Năm đó, người trong mộng của hắn, như lời tình ca mượt mà Hởi người tình Văn khoa…của Phạm Duy, phải là một tiểu thư yểu điệu thục nữ, áo dài tha thướt, trang trọng, rất Á Đông, đằng này lại là một cô nàng vốn học trường đầm, vào Văn Khoa là ghi danh ban Anh văn, ban à la mode nhất thời đó, hay mặc jupe bó đùi rất gợi cảm. Kẻ thất tình lầm lạc buồn quá là buồn nên đã được tôi và vài các bạn đồng môn khác dẫn đi cà phê để an ủi, khuyên lơn. Gặp lúc cả bọn đều cạn túi, bọn tôi chỉ có thể kéo nhau ra cà phê lá me, bình dân, ít tốn. Vậy mà lại hay!
Bên tách cà phê pha vớ, anh bạn thất tình mới bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia xẽ nỗi buồn riêng tư, nhưng hắn còn đặc biệt cám ơn bạn bè hơn nữa khi bọn tôi đã dẫn hắn ra cà phê lá me bình dân, rẻ tiền, thay vì là một quán sang trọng, mắc tiền khác, Hân ở Đa Kao chẳng hạn. Lý do là, khi còn mê mãi theo đuổi người đẹp trường Tây, hắn từng phải tiện tặn từng đồng từng cắc, nhịn ăn nhịn uống để có tiền mời người đẹp đi uống nước và hắn hay chọn sân khấu cho màn diễn lấy lòng người đẹp là cà phê Hân cho gần trường. Rốt cuộc, anh sinh viên khoa Triết nghèo mạt, si mê người đẹp, tội nghiệp là chỉ đưa cô nàng đi uống nước hạng sang có vài lần là đã đi đứt một tháng lương dạy kèm, đành ăn mì gói thay cơm cả tuần, hỏi sao có thể lọt vào mắt xanh của người đẹp cho được?
Khi đó bạn bè đã tình cờ đưa kẻ thất tình đến quán cà phê lá me thoáng mát cho tâm hồn hắn tha hồ phiêu lãng. Và khi không đưa hắn đến cà phê Hân hay một quán sang trọng nào khác là đã tránh cho hắn khỏi bị nhưng nơi này gợi lại niềm đau của một mối hận tình - cả nỗi tủi thân nữa.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 26.12.2016
Fanpage

|
|